Mời xem các thông tin về Ngày Kỷ niệm 88 năm Thành Lập trường La San Đức Minh tại trang www.duc-minh.org
Bài viết về ngày Truyền Thống La san Đức Minh
Những ngày cuối tháng 11, học sinh các trường trên khắp đất nước đều tổ chức những buổi lễ, những sinh hoạt mừng Ngày Nhà Giáo Việt Nam, để bày tỏ lòng
tri ân với các Thầy Cô.
Cùng hòa nhịp với sự kiện văn hóa đậm nét bản sắc dân
tộc này, các cựu học sinh trường La-San Đức Minh , trong tinh thần “uống nước
nhớ nguồn”, đã hẹn nhau trở về mái trường xưa vào Ngày Truyền Thống 27.11.2011 để kỷ niệm
88 năm ngày thành lập La-San Đức Minh.
Rất nhiều người, nhất là những thế hệ sau 1975,
hẳn sẽ nêu lên các câu hỏi như :”
La-San Đức Minh là trường nào? Ở đâu?
Tại sao lại gọi là La-San?”, v.v…
Quả thật, những thắc mắc trên không có gì đáng ngạc
nhiên vì trường La-San Đức Minh, qua
những biến cố thời cuộc, đã “thu nhỏ” lại rất nhiều. Nếu bạn là một người lạ,
chắc bạn sẽ rất bối rối khi đến thăm Đức Minh, vì đây có lẽ là ngôi trường duy
nhất không có…cổng chính !!! Phải đi vòng vo dăm ba ngỏ hẻm, bạn mới đến được
ngôi trường với cơ sở rất “khiêm tốn” so với trước đây.
Một ngôi trường nhỏ nhoi như thế thì có gì đáng để nói lên, đáng để có “Ngày
Truyền Thống La-san Đức Minh”?
Thưa
bạn, ngôi trường nhỏ nhoi này đã có một lịch sử 88 năm, và tất cả cựu học sinh
của nhiều thế hệ, đều vô cùng tự hào về mái trường thân yêu này, bởi vì:
-
La-san Đức Minh
không chỉ là một ngôi trường. La-san Đức
Minh là một minh họa, một tiếp nối, và là một yếu tố cấu thành của lý tưởng
giáo dục nhân bản kết hợp với phương pháp sư phạm hiện đại. Quan điểm nền tảng
về giáo dục này được khởi xướng vào năm 1680 bởi Gioan La-san , vị Thánh mà
Giáo Hội tôn vinh là Quan Thầy các nhà giáo dục Công Giáo, như một xác nhận rằng lý tưởng và
hiệu quả của giáo dục theo “tinh
thần La-san” là một chân lý . Thuộc tính
cốt lõi của tinh thần này là giáo dục nhân bản. Cách đây 350 năm, trước khi
có sự xuất hiện của các Sư Huynh Dòng La-San, việc học hành được xem là một đặc
quyền cúa các thành phần xã hội được ưu đãi. Giáo dục theo “tinh thần La-san”
là giáo dục miễn phí, ưu tiên cho các thanh thiếu niên nghèo khổ, là giáo dục
cống hiến cho “the lost, the last and the least” (những người thiệt thòi, sau chót và hèn mọn nhất). Phương
pháp sư phạm theo “tinh thần La-San” là phương pháp đặt lợi ích của học sinh lên trên hết, không vụ
lợi. Ngày nay, sự hiện diện của các trường La-san tại trên 80 quốc gia trên thế
giới là một minh chứng hùng hồn về thành quả của lý tưởng giáo dục nhân bản
này.
-
La-san Đức Minh
không chỉ là một kỷ niệm đẹp của thời cắp sách đến trường, một điều thuộc về
quá khứ, đã tàn phai. La-san Đức Minh là một dòng sông mà phù
sa là những cống hiến âm thầm của các Sư Huynh La-San, những bậc Thầy đã hy
sinh cuộc đời riêng, ngay cả mái ấm gia đình, để mang trái ngọt của Tâm và Trí
đến cho các bạn trẻ khó nghèo. Bạn thân mến, một lần nào đó xin mời bạn ghé
thăm nơi yên nghĩ của các sư huynh trong
cuộc hành trình dài cả thế kỷ trên đất nước Việt nam. Nghĩa trang đơn sơ của
gần 60 Thầy nằm lặng lẽ bên dòng sông Thanh Đa, gợi nhớ hình ảnh các Thầy đã từng miệt mài
bao năm tháng trong ánh sáng của niềm tin, để khẳng định hiệu quả và sức sống của một lý
tưởng.
-
La-San Đức Minh không chỉ là một thành quả của một thời kỳ. La-San Đức Minh là tiếng gọi
của một cuộc hành trình 88 năm vẫn âm vang một sứ mệnh phát xuất từ lòng yêu thương
con người mà giờ đây các thế hệ học trò của các Thầy đang noi theo, sứ mệnh
được minh họa bởi Henri Bergson, nhà triết học đã được giải Nobel và
giải thưởng về Toán học :“Kinh nghiệm
lịch sử cho thấy sự phát triển công nghệ của xã hội không bảo đảm sự hoàn thiện
của con người sống trong xã hội đó. Sự tăng trưởng phúc lợi vật chất thậm chí
là nguy hiểm nếu nó không được kèm theo những nỗ lực tinh thần thích hợp”. Nhận thức này đồng hành với “tinh thần la-San”, với lý tưởng giáo dục nhân bản: một con người phải có quyền tự do lựa chọn cho
mình một nền giáo dục, bên cạnh những quyền tự do cơ bản khác. Trong một xã hội mà
nơi đó con người không có hoặc đánh mất niềm tin vào chính xã hội mình sinh
sống thì điều tiên quyết mà xã hội đó phải thực thi là thay đổi quan điểm nền
tảng (philosophy) của giáo dục. Nếu không, giáo dục sẽ chỉ là một nơi dạy chữ,
dạy nghề để mưu sinh.
Trong “Ngày Truyền Thống 27.11” năm nay, các cựu học
sinh gồm nhiều thế hệ của La-San Đức Minh về lại trường xưa không chỉ để lòng
bồi hồi nhớ về những năm tháng tươi đẹp, hồn nhiên nhất trong đời mà còn cùng
nhau lắng nghe tiếng gọi của cuộc hành trình 88 năm dài, để một lần nữa xác tín
rằng dòng sông La-San Đức Minh mà các Sư Huynh đã khai mở vẫn không hề bị vùi
lấp, cho dù có những giai đoạn lịch sử sông chỉ còn là một con suối nhỏ lặng
lẽ, âm thầm. “Sông vẫn chảy đời sông.
Suối vẫn trôi đời suối”.
Trong “Ngày Truyền Thống 27.11” năm nay, các cựu học
sinh gồm nhiều thế hệ về lại trường xưa,
vui mừng gặp lại nhau, nhìn tóc xanh ngày xưa ỏ trường giờ đã bạc màu
thời gian, để thấy rằng La-San Đức Minh không chỉ ở TRONG mỗi người như một
hoài niệm , mà ở GIỮA mọi đồng môn như một sợi dây kết nối tất cả anh em trong
một ý hướng chung : bảo tồn và phát huy những giá trị của tinh thần La-San, một lý tưởng giáo dục nhân bản cống
hiến cho “The lost, the last, the
least”. (những người thiệt thòi, sau
chót và hèn mọn nhất).
Viết về ngày 27.11.2011 Nguyễn Hữu Đức CHS Lasan Đức Minh.
Hoan hô Tiếng Gọi của cuộc hành trình 88 năm.
Trả lờiXóa